Chủ Nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) là một trường phái triết học cổ đại được sáng lập bởi nhà triết học Zeno xứ Citium vào đầu thế kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên. Sau đó trường phái này được kết thừa bởi ba trụ cột thời La Mã là Seneca, hoàng đế Marcus Aurelius và Epictetus. Chủ Nghĩa Khắc kỷ được khai sinh với sứ mệnh trui rèn bản lĩnh và tinh thần của con người trước những áp lực và khổ đau trong cuộc sống. Trong một thế giới hiện đại chênh vênh và đầy khủng hoảng: thất nghiệp, dịch bệnh, nỗi đau, cái chết, Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ giúp bạn vững vàng đối mặt và tìm được sự bình thản trong tâm trí (the tranquillity of mind), để không bị "cuốn theo chiều gió" trước vô vàn những cám dỗ và khó khăn của đời sống thường ngày. Lucius Annaeus Seneca - một trong ba trụ cột của Chủ nghĩa Khắc Kỷ, đã sử dụng một định dạng văn bản triết học do chính ông sáng tạo ra là các bức thư gần gũi, thân thiện với nhiều đối tượng độc giả để nhằm trả lời cho câu hỏi “làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp”. Tính độc đáo của thể loại văn bản này đã được thể hiện trọn vẹn trong tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của ông "Moral letters from Seneca to Lucilius”. Tác phẩm này đã được tác giả Andy Lương và đội ngũ Spiderum dịch lại dưới tên “Seneca: Những bức thư đạo đức – Chủ nghĩa Khắc kỷ trong đời sống”.